Viết về đề tài lao động, bài thơ “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông và bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận được người đọc yêu thích nhất. Huy Cận viết “Đoàn thuyền đánh cá” vào năm 1958, tại vùng biển Quảng Ninh phản ánh không khí sôi nổi của nhân dân miền Bắc trong xây dựng hòa bình. Nhà thơ ca ngợi tinh thần lao động phấn khởi và hăng say của những người dân chài trên biển quê hương. Trong đó, ba khổ thơ đầu bài thơ đã để lại trong long người đọc ấn tượng sâu sắc.
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.​
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.​
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,​
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.​
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,​
Cá thu biển Đông như đoàn thoi​
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.​
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!​
Thuyền ta lái gió với buồm trăng​
Lướt giữa mây cao với biển bằng,​
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,​
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”​
Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” trích trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”-tập thơ đánh dấu sự trở lại của Huy Cận trên thi đàn Việt Nam sau một thời gian dài vắng bong. Tập thơ là kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Hòn Gai, Hạ Long năm 1958. Mỗi bài thơ, vần thơ là một niềm say sưa, hứng khởi trước cuộc sống mới với không khí lao động hào hứng, khẩn trương. Niềm hăng say phơi phới bộc lộ tâm hồn, tính cách của những người dân chài trên biển đang say sưa phấn đấu để xây dựng Tổ quốc. Xã hội chủ nghĩa. Nhà thơ Huy Cận đã nắm bắt được tất cả những hình ảnh ấy rồi đặt vào trong không gian đầy chất thơ. Có thể nói bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã đánh dấu một hồn thơ bay bổng, say sưa của Huy Cận.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh miêu tả cảnh ra khơi của những người dân chài thật tráng lệ, hùng vĩ :
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.​
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.​
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,​
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”​
Ở đây tác giả miêu tả cảnh hoàng hôn trên biển với hình ảnh so sánh mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ.đang từ từ lặn xuống biển. Bầu trời và mặt biển bao la như ngôi nhà vũ trụ trong khoảnh khắc phủ bóng tối mịt mùng. Và bên cảnh hình ảnh so sánh, vần trắc ở cuối câu thơ thứ nhất đã tạo ra một âm điệu phấn chấn khác hẳn với những hình ảnh ước lệ của hoàng hôn trong thơ cổ, khác hẳn với nhà thơ Huy Cận ngày xưa:
“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”​
Tràng Giang-Huy Cận​
Tiếp nối ý trên nhưng ở đây tác giả dung phép liên tưởng. Sóng thì được ví như chiếc then cài cửa trong đó cánh cửa chính là màn đêm đang bao trùm. Vũ trụ giờ đây chuyển mình, được bao phủ bởi màn đêm, dường như đang đi vào một giấc ngủ, nghỉ ngơi tĩnh lặng. Những động từ “cài”, “sập” được sử dụng thật tài tình. Cái tài tình của tác giả còn thể hiện ở chỗ “song”, “đêm” là những sự vật vốn vô hình lại bỗng trở thành một cái hữu hình. Trái ngược với đó là hình ảnh của đoàn thuyển đánh cá. Đoàn thuyền là một tập thể biểu hiện sức mạnh của cuộc lao động dựng xây. Từ “lại” trong câu thơ diễn tả cộng việc thường xuyên, đều đặn từ trước đó. Bút pháp lãng mạn và khoa trương thể hiện trong câu thơ thứ tư đã làm cho những người dân chài như sánh ngang với thiên nhiên. Tiếng hát cất cao của họ hòa cùng với gió biển như căng cánh buồm lên đưa thuyền ra khơi. Với bút pháp này, tác giả đã thể hiện tinh thần lao động hăng say, phấn khởi của người dân chài với một khí thế hào hứng trong chuyến ra khơi. Cánh buồm no gió tượng trưng cho khí thế phơi phới đi lên của công cuộc dựng xây đất nước.
Ở khổ thơ hai là lời bài hát ca ngợi sự giàu có và hào phóng của biển cả cùng vẻ đẹp lung linh, diệu kì của nó trong đêm:
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,​
Cá thu biển Đông như đoàn thoi​
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,​
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”​
Nội dung của bài hát với lời mong ước một chuyến ra khơi nhiều may mắn. Đó phản ánh tâm hồn chân chất, mộc mạc của những người dân chài mà ta cũng có thể bắt gặp tâm hồn đó trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh:
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe​
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”​
Những hình ảnh và ẩn dụ trong khổ thơ đem đến những liên tưởng thú vị cho người đọc.
Và khổ thơ thứ ba là khổ thơ hay nhất và gây ấn tượng nhất bởi hình ảnh con thuyền đẹp và kì vĩ được tác giả miêu tả bằng bút pháp lãng mạn, khoa trương mà ta thường thấy trong văn học cổ:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng​
Lướt giữa mây cao với biển bằng,​
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,​
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”​
Gió làm bánh lái, trăng làm cánh buồm còn con thuyền thì vươn lên ngang tầm với thiên nhiên và vũ trụ, như lướt nhẹ nhàng trên không trung, giữa mây cao và biển bằng. Hoạt động của đoàn thuyền là “dò bụng biển“ và “dàn đan thế trận” để giăng lưới bắt cá, sao cho sáng mai trở về thuyền nào cũng đầy ắp cá. Việc ra khơi qua ngòi bút miêu tả của nhà thơ trở nên đầy khí thế, đoàn thuyền hung dũng như một đoàn quân ra trận.
Tóm lại, qua những hình ảnh liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.