Vật chất (triết học Marx-Lenin) theo định nghĩa của Lê Nin là cái có trước, vật chất là cái tồn tại khách quan bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức và là cái quyết định ý thức; là cái tác động lại vật chất; và nó có quan hệ biện chứng qua lại với nhau.
Phạm trù là khái niệm phản ánh những đặc trưng chung nhất của một nhóm, một lớp... các đối tượng; mà những "khái niệm" này là không thể thiếu đối với các ngành khoa học. "Phạm trù" là "khái niệm" nhưng không phải mọi "khái niệm" đều là "phạm trù". Nói cách khác, chỉ những "khái niệm" nào được xem là những khái niệm cơ bản của ngành khoa học nào đó và không thể thiếu đối với ngành khoa học đó thì các "khái niệm" đó mới được gọi là "phạm trù". Ví dụ như trong ngành Sinh học có các phạm trù: "đồng hóa, "dị hóa". Trong Vật lý có các phạm trù: "khối lượng", "vận tốc", "chất điểm", "gia tốc". Trong Triết học có các phạm trù: "vật chất", "chuyển động", "biện chứng", "siêu hình", "chiết trung"...
Các quan điểm trước Mác - Lênin
Khuynh hướng chung của các nhà triết học duy vật thời cổ đại là đi tìm một thực thể ban đầu nào đó và coi nó là yếu tố tạo ra tất cả các sự vật, hiện tượng khác nhau của thế giới, tất cả đều bắt nguồn từ đó và cuối cùng đều tan biến trong đó. Tức là họ muốn tìm một thực thể chung, là cơ sở bất biến của toàn bộ tồn tại, là cái được bảo toàn trong sự vật dù trạng thái và thuộc tính của sự vật có biến đổi và được gọi là vật chất (tiếng Latin là materia). Trong lịch sử triết học cổ đại, các nhà triết học duy vật cũng quan niệm vật chất rất khác nhau. Ví dụ Thales (624-547 trước Công nguyên) coi vật chất là nước, Anaximenes (585-524 trước Công nguyên) coi vật chất là không khí, Heraclitus (540-480 trước Công nguyên) coi vật chất là lửa, Democritus (460-370 trước Công nguyên) coi vật chất là các nguyên tử,...
Nói chung các nhà triết học cổ đại quan niệm vật chất dưới dạng cảm tính và quy vật chất thành một thực thể cụ thể, cố định. Mặc dù có những hạn chế và mặt lịch sử, song những quan niệm trên lại có ý nghĩa tích cực trong việc đấu tranh chống lại quan niệm duy tâm thời bấy giờ.
Đến thời kỳ cận đại, khoa học phát hiện ra sự tồn tại của nguyên tử, cho nên quan niệm của thuyết nguyên tử về cấu tạo của vật chất ngày càng được khẳng định. Quan niệm này tồn tại và được các nhà triết học duy vật cũng như các nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng sử dụng cho đến tận cuối thế kỷ 19.
Trong giai đoạn thế kỷ 17 - thế kỷ 18, mặc dù đã có những bước phát triển, đã xuất hiện những tư tưởng biện chứng nhất định trong quan niệm về vật chất, song quan niệm đó ở các nhà triết học duy vật thời kỳ này về cơ bản vẫn mang tính chất cơ giới, đó là khuynh hướng đồng nhất vật chất với nguyên tử hoặc với khối lượng. Quan niệm này chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi cơ học cổ điển của Newton, một lĩnh vực của vật lý được coi là phát triển hoàn thiện nhất thời bấy giờ.
Cơ học cổ điển coi khối lượng của vật thể là đặc trưng cơ bản và bất biến của vật chất; thế giới bao gồm những vật thể lớn nhỏ khác nhau, cái nhỏ nhất không thể phân chia nhỏ hơn là các nguyên tử; đặc trưng cơ bản của mọi vật thể là khối lượng; tính tất yếu khách quan trong hiện thực là tính tất yếu khách quan được thể hiện qua các định luật cơ học của Newton; vật chất, vận động, không gian và thời gian là những thực thể khác nhau cùng tồn tại chứ không có quan hệ ràng buộc nội tại với nhau
Sự phê phán của Mác và Ăng-ghen
Karl Marx và Friedrich Engels đã kế thừa những giá trị tích cực đồng thời vạch ra những hạn chế trong quan niệm về vật chất của các nhà duy vật trước đó, đã tổng kết những thành tựu của khoa học tự nhiên, khái quát và hình thành nên một quan niệm khoa học về phạm trù vật chất. Các ông nêu lên sự đối lập giữa vật chất với ý thức, về tính thống nhất vật chất của thế giới, về tính khái quát của phạm trù vật chất và sự tồn tại của vật chất dưới các dạng cụ thể...
Theo Ăng-ghen thì: Cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính. Khác với các đối tượng vật chất cụ thể. “Những từ như vật chất và vận động chỉ là sự tóm tắt trong đó chúng ta tập hợp theo những thuộc tính của chúng, rất nhiều sự vật khác nhau có thể cảm biết được bằng giác quan”.[1] Engels nhấn mạnh rằng cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính.
Marx và Engels phê phán quan điểm đem quy vật chất về nguyên tử về những hạt nhỏ đồng nhất hoàn toàn giống nhau về "chất" và chỉ khác nhau về "lượng", đó là những quan niệm mang tính siêu hình và cơ giới. Qua đó các ông nêu lên tính vô hạn và vô tận, tính không thể sáng tạo và không thể tiêu diệt được của vật chất cũng như các hình thức tồn tại của nó tức là vận động, không gian và thời gian... Trong đó Ph.Ăng-ghen đặc biệt nhấn mạnh phê phán quan điểm đem quy vật chất về nguyên tử, về những hạt nhỏ đồng nhất hoàn toàn giống nhau về chất, chỉ khác nhau về lượng, ông coi đó là siêu hình, mang tính cơ giới, qua đó ông nêu lên tính vô hạn và vô tận, tính không thể sáng tạo và không thể tiêu diệt được của vật chất và các hình thức tồn tại của nó là không gian và thời gian.[2]
Ở đây cần phân biệt quan niệm vật chất với tư cách là một phạm trù triết học với quan niệm của vật lý học và các khoa học khác về vật chất. Điều này giúp chúng ta nhận thức và hiểu đúng vật chất dưới dạng xã hội, ví dụ trong lịch sử xã hội loài người thì quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là có tính vật chất mặc dù nó không được cấu tạo nên từ bất kỳ một nguyên tử hay phân tử vật chất nào.
Định nghĩa Vật chất của Lê Nin
Phạm trù vật chất xuất hiện ngay từ khi triết học mới ra đời trong thời kỳ cổ đại, dưới chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên nội dung của phạm trù này không phải là bất biến mà luôn luôn biến đổi và phát triển.
“ Vật chất (theo Lê nin) là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác. ”
Ý nghĩa
Định nghĩa ngắn gọn nhưng giải đáp đầy đủ hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học trên lập trường duy vật biện chứng, chống lại tất cả các quan điểm sai lầm về vật chất, về mối quan hê giữa vật chất và ý thức của Chủ nghĩa duy tâm, chống thuyết bất khả tri và thuyết hòa nghị, khắc phục tính máy móc, siêu hình trong quan niệm về vật chất của Chủ nghĩa duy vật trước Mác;
Định nghĩa nêu lên tính khái quát phổ biến rất cao của phạm trù vật chất, nó bao gồm tất cả những gì tồn tại khách quan;
Định nghĩa giúp chúng ta tìm được yếu tố vật chất trong lĩnh vực xã hội đó là tồn tại xã hội
Định nghĩa vạch ra cho khoa học con đường vô tâm đi sâu nghiên cứu Thế giới, tìm ra phương pháp cải tạo Thế giới ngày càng có hiệu quả.
Ví dụ:
Hỡi Cô tát nước bên đường,
Sao Cô múc Ánh trăng vàng đổ đi.
Ánh trăng vàng là Vật chất, vì:
-Nhìn thấy (được đem lại cho con người trong cảm giác);
-Nhớ lại và tả lại cho người khác (được cảm giác của con người chép lại, chụp lại, phản ánh);
-Nó vẫn tồn tại dù không có Cô tát nước hay bất kỳ ai (nó tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác).
Mối quan hệ giữa Vật chất và Ý thức
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là vấn đề cơ bản của triết học. Phạm trù vật chất và mối liên hệ giữa vật chất và ý thức đã được các nhà triết học trước Mác quan tâm với nhiều quan điểm khác nhau và luôn diển ra cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trong suốt lịch sử của triết học.
Quan điểm Mácxit cho rằng chỉ có một thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất. Thế giới vật chất tồn tại khách quan có trước và độc lập với ý thức con người.
Lênin – người đã bảo vệ và phát triển Triết học Mác đã nêu ra định nghĩa về Vật chất. Định nghĩa này thể hiện mấy nội dung sau:
Vật chất là một phạm trù triết học: Đó là một phạm trù rộng và khái quát nhất, không thể hiểu theo nghĩa hẹp như các khái niệm vật chất thường dùng trong các lĩnh vực khoa học cụ thể hoặc đời sống hàng ngày.
Thuộc tính cơ bản nhất của vật chất là "tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác", đó cũng chính là tiêu chuẩn để phân biệt cái gì là vật chất và cái gì không phải là vật chất.
Thực tại khách quan đem lại cho con người trong cảm giác "tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác". Điều đó khẳng định "thực tại khách quan" (vật chất) là cái có trước (tính thứ nhất). Còn "cảm giác", (ý thức) là cái có sau (tính thứ hai). Vật chất tồn tại không lệ thuộc vào ý thức.
"Thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh". Điều đó nói lên "thực tại khách quan" (vật chất) được biểu hiện thông qua các dạng cụ thể bằng "cảm giác" (ý thức) con người có thể nhận thức được. Và "thực tại khách quan" (vật chất) chính là nguồn gốc nội dung của "cảm giác" (ý thức).
Khẳng định thế giới thực chất khách quan là vô cùng, vô tận luôn vận động và phát triển không ngừng, nên đã có tác động cổ vũ, động viên các nhà khoa học đi nghiên cứu thế giới vật chất, tìm ra những kết cấu mới, những thuộc tính mới và những qui luật hoạt động của vật chất để làm phong phú thêm kho tàng vật chất của nhân loại.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định ý thức của con người là sản phẩm của quá trình phát triển tự nhiên và lịch sử xã hội. Chủ nghĩa duy vật biên chứng cho ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não người thông qua hoạt động thực tiễn, nên bản chất ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự phản ánh sáng tạo thế giới vật chất.
Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Điều đó có nghĩa là nội dung của ý thức là do thế giới khách quan qui định, nhưng ý thức là hình ảnh chủ quan, là hình ảnh tinh thần chứ không phải là hình ảnh vật lý, vật chất như chủ nghĩa duy vật bình thường quan niệm.
Khi nói ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, củng có nghĩa là ý thức là sự phản ánh tự giác, sáng tạo thế giới.
Tính năng động sáng tạo của ý thức thể hiện ở việc con người thu nhận thông tin, cải biến thông tin trên cơ sở cái đã có, ý thức sẽ tạo ra tri thức mới về vật chất. Ý thức có thể tiên đoán, tiên liệu tương lai, có thể tạo ra những ảo tưởng, những huyền thoại, những giả thiết khoa học. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người, song đây là sự phản ánh đặc biệt – phản ánh trong quá trình con người cải tạo thế giới. Quá trình ấy diển ra ở 3 mặt: sự trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh, mô hình hoá đối tượng trong tư duy hình ảnh tinh thần và chuyển vào mô hình hoá từ tư duy ra hiện thực khách quan hay gọi là hiện thực hoá mô hình tư duy - đây là giai đoạn cải tạo hiện thực khách quan. Chủ nghĩa duy vật biện chứng còn cho rằng ý thức không phải là hiện tượng tự nhiên thuần tuý mà còn gọi là hiện tượng xã hội ý thức bắt nguồn từ thực tiễn lịch sử xã hội, phản ánh những quan hệ xã hội khách quan. Đây chính là bản chất xã hội của ý thức.
Quan điểm Mác xit cho rằng vật chất quyết định ý thức, ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc của con người. Bộ óc con người cùng với thế giới bên ngoài tác động lên bộ óc – đó là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.
Nguồn gốc trực tiếp và quan trọng nhất quyết định sự ra đời và phát triển của ý thức là lao động và thực tiễn của xã hội.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức thể hiện mấy quan điểm sau:
Vật chất quyết định ý thức, vật chất quyết định nội dung ý thức. Cả ý thức thông thường và ý thức lý luận đều bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định. Những ước mơ phong tục, tập quán, thói quen nầy nẩy sinh trên những điều kiện vật chất nhất định đó là thực tiễn xã hội – lịch sử. Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng dựa trên mảnh đất hiện thực là những tiền đề về kinh tế chính trị xã hội, về khoa học tự nhiên và sự kế thừa tinh hoa tư tưởng, văn hoá nhân loại cùng với thiên tài của Các Mác và Ăngghen.
Do thực tại khách quan luôn luôn biến động vận động nên nhận thức của nó cũng luôn luôn biến đổi theo, nhưng xét đến cùng thì vật chất bao giờ củng quyết định ý thức. Nhưng ý thức đã ra đời thì nó có tác động lại vật chất. Với tính độc lập tương đối của mình ý thức tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiển của con người.
Sự tác động trở lại theo hai hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm thậm chí phá hoại sự phát triển bình thường của sự vật.
Vai trò của ý thức là ở chỗ nó chỉ đạo hoạt động của con người, hình thành mục tiêu, kế hoạch, ý chí biện pháp hoạt động của từng người. Cho nên trong điều kiện khách quan nhất định ý thức – tư tưởng trở thành nhân tố quan trọng có tác dụng quyết định làm cho con người hoạt động đúng hay sai, thành công hay thất bại.
Sức mạnh của ý thức con người không phải ở chỗ tách rời điều kiện vật chất thoát ly điều kiện khách quan mà là biết dựa vào điều kiện vật chất đã có phản ánh đúng qui luật khách quan để cải tạo thế giới một cách chủ động sáng tạo và có hiệu quả. "Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn tạo ra thế giới khách quan" - Lênin.