Bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP HCM, khẳng định bé trai mới tử vong do amip ăn não không hề tiếp xúc với sông hồ, do đó ông nhận định bệnh nhân này có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ không khí.
Chân dung amip ăn não."Ngày 12/8, ngay sau khi bệnh nhân tử vong, chúng tôi đã xét nghiệm giải phẫu bệnh và xác định đây là ca ápxe não do amip ăn não người chứ không do nguyên nhân khác", bác sĩ Hiếu cho biết.
Giải thích nguyên nhân bệnh nhân nằm một chỗ, không tiếp xúc với nước sông hồ mà vẫn bị mắc amip ăn não, bác sĩ Hiếu cho rằng, bé có thể bị nhiễm qua không khí. "Bởi theo y văn thế giới amip này có trong đất, cho nên trong không khí cũng có thể có amip", ông Hiếu nói thêm.
Tuy vậy bác sĩ Hiếu khuyên mọi người không nên hoang mang, bởi khả năng amip gây bệnh cho người là rất hiếm.
"Mọi người có thể tiếp xúc với amip nhưng không phải ai cũng mắc bệnh. Việc này cũng giống như ai cũng tiếp xúc với vi trùng nhưng không phải ai cũng bị nhiễm trùng. Riêng những người bị suy giảm miễn dịch có thể dễ mắc bệnh hơn", bác sĩ Hiếu phân tích.
Trái với phát biểu của bác sĩ Hiếu, các chuyên gia ký sinh trùng khẳng định amip Naegleria fowleri không thể tồn tại trong đất và không khí. "Amip ăn não chỉ tồn tại được trong môi trường nước ngọt như sông hồ. Nếu lên cạn, loại amip này sẽ chết ngay", một tiến sĩ chuyên khoa ký sinh trùng nói.
Các chuyên gia ký sinh trùng tại TP HCM còn cho rằng amip ăn não khác hẳn với loại amip gây bệnh ở đường ruột, với phương thức lây truyền là xâm nhập qua niêm mạc mũi rồi vào xoang sàn và não thất. Do đó nếu nguồn nước có chứa amip Nagleria fowleri nhưng chỉ dùng để ăn uống đơn thuần thì khó lây nhiễm, vì amip chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mũi.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định, bệnh viêm màng não do đơn bào Naegleria fowleri là một bệnh hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (từ 1962 đến 2011), tại Mỹ cũng chỉ ghi nhận 123 ca mắc.
Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) tại khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh.
Với trường hợp tử vong thứ hai liên quan đến amip ăn não, điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, một tuần trước nhập viện, bé thường đập đầu xuống nền gạch, không ói. Bệnh nhân ăn cháo, uống nước đun sôi, không có tình trạng bị sặc nước. Trước nhập viện 2 ngày bé sốt, người chăm sóc mua thuốc hạ sốt cho uống. Trưa 12/8 bé được phát hiện tím tái nên đưa vào Bệnh viện Quận 6 rồi tử vong. Nguyên nhân được xác định do ápxe não.
Bé hoàn toàn không có tiền sử tiếp xúc nguồn nước như ao, hồ, sông… Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày là nước máy. Nước bé uống là nước đun sôi để nguội.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, đây là ca bệnh không liên quan nhiều đến các yếu tố dịch tễ và nguồn lây bệnh là không rõ ràng.
Thiên Chương