SGTT.VN - Hiểu chính xác, từ “bướu cổ” chỉ triệu chứng chứ không phải một bệnh cụ thể. Đó là hiện tượng to ra của tuyến giáp do nhiều loại bệnh, gọi nôm na cho dễ hiểu thành bệnh bướu cổ hay bướu giáp.

Có thể tự nhận biết bị bướu cổ
Bướu cổ là triệu chứng đại diện cho rất nhiều loại bệnh của tuyến giáp (phình giáp đơn, phình giáp có rối loạn nội tiết, u tuyến giáp) nên bệnh nhân cần được định bệnh chính xác bằng cách khám chuyên khoa và làm các biện pháp cận lâm sàng thích hợp. Siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm FT4 và TSH trong máu là cận lâm sàng thông dụng nhất và khá hữu ích trong định bệnh. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp điện toán (CT scan), xạ hình tuyến giáp, chọc hút tế bào...
Bệnh nhân có thể nhận biết mình bị bướu cổ hay không qua một số biểu hiện: luôn có cảm giác bị đau hoặc ứ đầy ở vùng cổ họng; cơ thể đổ mồ hôi nhiều, khó thở, giảm cân bất chợt, giảm sút trí nhớ, khó nuốt, hay mệt mỏi. Nếu kèm theo bướu sưng to trong cổ, giọng nói trở nên khàn đặc, bướu phát triển nhanh... thì ngay lập tức đến bệnh viện vì đó rất có thể là bướu độc.
Cho đến giờ, thiếu muối iốt là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh bướu cổ, do iốt là yếu tố quan trọng cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi tuyến giáp trạng không nhận được đầy đủ hàm lượng iốt, sẽ tạo kích thích tố giáp trạng, làm cho sự bài tiết bị sụt giảm. Lúc đó, tuyến giáp trạng phải tăng thêm kích thước để sản xuất hormone, sưng to, tạo thành bướu cổ. Tuy nhiên, việc khuyến khích người dân dùng muối iốt đại trà để phòng bệnh bướu cổ chỉ đúng trong chừng mực nào đó (như ở các cộng đồng thiếu iốt), lại nguy hiểm cho các bệnh nhân cường giáp vì bệnh nhân này dùng muối iốt thì giống như... đổ dầu vào lửa.
Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, phụ nữ cũng dễ bị bướu cổ do thường xuyên bị kích thích thần kinh. Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị các bệnh về rối loạn thể chất, điều trị tim mạch cũng có thể gây bướu cổ hoặc thúc đẩy bướu phát triển nhanh hơn.
Nhiều bước tiến trong điều trị
Để điều trị bướu cổ, cần cả hai lĩnh vực: nội khoa do các chuyên gia nội tiết đảm nhiệm, ngoại khoa do các chuyên gia ngoại tổng quát đảm nhiệm. Việc hội chẩn giữa các nhà nội khoa và ngoại khoa là rất cần thiết trong chọn lựa chỉ định điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp. Với các loại phình giáp đơn và không có nhân, đa số đều đáp ứng tốt với điều trị nội khoa (dùng thuốc). Trường hợp phình giáp đơn có nhân hay đa nhân, cần tham khảo thêm ý kiến của các nhà phẫu thuật, đặc biệt lưu ý đến khả năng u ác tính. Trường hợp phình giáp, cường giáp lúc nào cũng khởi đầu bằng điều trị nội khoa. Tuỳ đáp ứng với điều trị nội và khả năng tái phát sau điều trị nội mà bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ hội chẩn với bác sĩ phẫu thuật về chỉ định mổ. Trường hợp u tuyến giáp, đặc biệt có những yếu tố nghi ngờ ác tính (u cứng, có dấu hiệu cảnh báo trên chẩn đoán hình ảnh) hoặc tìm thấy tế bào ác tính trên mẫu chọc hút tế bào thì nhất thiết phải được điều trị bởi các nhà phẫu thuật và ung thư học.
Để phòng ngừa bướu cổ
Việc phòng ngừa bướu cổ hiện nay chủ yếu dựa vào bổ sung đầy đủ lượng iốt trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, với những bệnh nhân đã mắc bệnh bướu cường giáp thì tuyệt đối không nên dùng thức ăn chứa iốt. Cũng cần lưu ý không dùng quá nhiều thực phẩm chứa chất flavon: chất này khi hấp thụ vào đường ruột sẽ bị vi khuẩn phân giải thành các loại axít ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Tuỳ theo bệnh lý, phẫu thuật bướu cổ có thể thực hiện theo nhiều cách: lấy trọn một nhân đơn độc, các bán phần một thuỳ hoặc hai thuỳ tuyến giáp, cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ… Phẫu thuật mở kinh điển đi qua một đường mổ dài 6 – 10cm ngang trước cổ để tiến vào khối bướu của tuyến giáp, bác sĩ thực hiện các thao tác phẫu thuật cắt bướu và kiểm soát cầm máu. Các phương tiện đốt điện cao tần, dao cắt đốt siêu âm có thể sử dụng để hỗ trợ phẫu thuật thuận lợi hơn. Phẫu thuật nội soi đi qua ba vết rạch nhỏ 0,5 – 1cm ở vùng ngực – nách, những vị trí có thể che giấu sẹo, bác sĩ phẫu thuật thực hiện thao tác cắt tuyến giáp và cầm máu bằng dao siêu âm dưới quan sát camera có hình ảnh sắc nét và phóng đại nhiều lần.
Hiện đã có nhiều bước tiến trong phẫu thuật tuyến giáp nhờ tiến bộ của thiết bị hỗ trợ phẫu thuật như đốt điện cao tần, dao cắt đốt siêu âm, thiết bị phẫu thuật nội soi… Phẫu thuật nội soi nói chung có nhiều ưu điểm như: ít chấn thương; ít mất máu; ít đau sau mổ, tiêu hoá, vận động, và sức khoẻ chung đều hồi phục sớm hơn; giảm thời gian và theo đó giảm chi phí nằm viện, ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ, sẹo mổ đẹp hoặc không sẹo. Riêng trong điều trị bướu cổ, ưu điểm nổi bật của nội soi là có thể nhận dạng rõ các cấu trúc quan trọng nhờ hệ thống hình ảnh sắc nét và phóng đại nên giảm nguy cơ tổn thương thần kinh gây mất tiếng nói, tổn thương tuyến cận giáp gây co quắp tay chân do hạ canxi. Do sẹo nhỏ nên ít đau, hồi phục nhanh, không cần dùng kháng sinh, nằm viện ngắn (hai ngày). Chi phí phẫu thuật có cao hơn mổ mở khoảng vài triệu đồng nhưng giảm chi phí thuốc men và nằm viện, nên tổng chi phí cũng không chênh lệch nhiều. Ngoài ra, còn ưu điểm về mặt thẩm mỹ: mổ mở sẽ để lại vết sẹo lớn ngang trước cổ, trong khi mổ nội soi chỉ để lại các vết sẹo rất nhỏ ở những nơi khó nhận thấy, và gần như sẹo sẽ biến mất theo thời gian. Phẫu thuật nội soi có thể chỉ định cho trường hợp phình giáp đơn, cường giáp, các u lành, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi chỉ thực hiện được khi bướu không quá to (4 – 6 cm, tuỳ kinh nghiệm của phẫu thuật viên).
TS.BS Đặng Tâm