Sốt về chiều hay do bệnh phổi, lao vì vậy bạn nên tới bệnh viện khám đi, bệnh này cần điều trị dứt điểm, ko đc để lâu, ngoài ra cũng có thể do bạn viêm nhiễm gì đó trong cơ thể.
Nếu bạn sốt do cảm cúm, chắc chắn sẽ có ho và sổ mũi. Sốt do thương hàn thì không kèm hai triệu chứng này mà có đặc điểm là sáng mát, chiều nóng, sốt tăng dần.
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C. Đây là một dấu hiệu thường gặp của rất nhiều bệnh, cần nhận ra ngay để điều trị kịp thời.

Sốt do cảm cúm

Cảm và cúm là hai bệnh riêng biệt, nhưng có nhiều triệu chứng giống nhau là sốt, ho, sổ mũi, nhức mình mẩy, mệt mỏi. Trong đó, ho và sổ mũi là hai triệu chứng bắt buộc phải có. Nếu không thì không phải là cảm, cúm.

Nhiều người thấy mệt hay chóng mặt cũng tự cho mình là bị cảm, cúm rồi tự mua thuốc uống, làm vã mồ hôi càng mệt thêm. Các thuốc cảm, cúm thật ra chỉ chữa được những triệu chứng khó chịu như sốt, ho, sổ mũi chứ không diệt được virus trong khi bệnh do virus gây ra và tự khỏi sau 3-7 ngày. Chỉ khi có bội nhiễm vi khuẩn mới cần dùng kháng sinh.

Cảm thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm lạnh, mưa, nóng đột ngột và không lây. Trái lại, bệnh cúm rất hay lây thành dịch.

Sốt do thương hàn

Triệu chứng của bệnh này là chỉ có sốt mà không có ho và sổ mũi. Sốt trong bệnh thương hàn có điểm đặc biệt là sáng mát, chiều nóng, ngày một tăng dần. Sau một tuần, sốt lên đến 40 độ C nhưng mạch lại rất chậm. Thường trong các bệnh nhiễm khuẩn, nếu sốt 40 độ C thì mạch tương ứng 120 lần/phút, nhưng sốt thương hàn thì mạch khoảng 80-90 lần/phút. Bệnh nhân thường nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, sờ ấn bụng vùng hố chậu phải nghe tiếng ọt ọt rất đặc biệt.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này là thủng ruột. Vì vậy, nếu nghi sốt do thương hàn thì phải nhập viện làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định và có chỉ định dùng thuốc đặc hiệu.

Sốt xuất huyết

Bệnh dễ nhận ra bởi 3 dấu hiệu sau đây: sốt xuất huyết, đau bụng, gan to và đau. Bệnh nhân thường đột ngột sốt cao 39-40 độ C, xuất huyết dưới da (nốt xuất huyết) hoặc tiêu hóa, chảy máu chân răng. Gan to, đau (sờ dưới hạ sườn phải có một khối, ấn tới đau).

Cần nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết khi trẻ đột nhiên sốt cao, sốt liên miên, uống thuốc hạ sốt thấy bớt rồi sốt lại, không ho, không sổ mũi, đặc biệt là đau bụng. Nhưng nếu trẻ đau bụng mà không sốt thì không phải là sốt xuất huyết mà có thể đau bụng giun.

Sốt do viêm họng

Bất cứ trẻ em nào sốt cao cũng cần khám họng, nhất là sốt cao đột ngột. Nhìn vào họng sẽ thấy hai amidan sưng to, đỏ, lấm tấm trắng. Nếu có màng trắng dính chặt trên đó, phải nghĩ đến bệnh bạch hầu và cần đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi có sổ mũi kèm theo thì đó là viêm họng do virus, không cần uống kháng sinh mà chỉ dùng thuốc hạ sốt và súc miệng bằng nước sát trùng. Tuy nhiên, cần theo dõi sự bội nhiễm vi khuẩn, nếu có phải dùng kháng sinh.

Sốt do bệnh sởi

Khác với sốt xuất huyết, trẻ bị sởi sốt cao liên miên, kèm với ho và sổ mũi, mắt lem nhem. Hai mặt trong của má nếu có những hạt trắng nhỏ như hạt gạo (dấu hiệu Koplick) thì có thể chắc chắn trẻ sẽ phát ban sởi. Bệnh này do virus, rất hay lây và cũng tự nhiên khỏi sau một tuần.

Thuốc kháng sinh không diệt được virus nhưng ngừa được những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi như viêm tai giữa, phế quản phế viêm, viêm phổi... Trẻ chỉ hết sốt hẳn sau khi ban nổi khắp người. Nếu đã phát ban mà vẫn còn sốt nghĩa là có biến chứng.

Nếu đúng là trẻ mắc bệnh sởi thì sau 4 ngày sẽ có phát ban dù uống thuốc hạ sốt hay không. Còn nếu không nổi ban thì trẻ đã mắc bệnh khác chứ không phải sởi.

Sốt do viêm màng não

Cần nghĩ ngay đến bệnh này khi trẻ sốt, nhức đầu, ói mửa. Thử gập cổ trẻ vào ngực, nếu gập không được hoặc trẻ lộ vẻ đau đớn (dấu hiệu cổ cứng) thì nhiều khả năng là viêm màng não. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dấu hiệu thóp trước phồng cũng rất quan trọng để nhận ra viêm màng não. Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để lấy nước não tủy xét nghiệm tìm nguyên nhân và có cách điều trị đúng.