<span style="">Sự tự tin chỉ có được khi em am hiểu và đam mê một điều gì đó. Nếu thiếu hai điều này, tự tin chỉ là vỏ bọc.
​</span><span style="">Biết rõ lợi ích của kỹ năng mềm trong cuộc sống và công việc, tớ đã đầu tư khá nhiều vào công cuộc “bổ túc” các kỹ năng này. Trong đó, làm thế nào để định hình một phong thái tự tin là điều tớ luôn tâm niệm và áp dụng. Có thể một ai đó thấy tớ lúc nào cũng nhìn thẳng, nói năng rành rọt, rõ ràng lại kết hợp với động tác cơ thể như trước đông người cũng hơi kỳ. Nhưng kệ họ, đó là lựa chọn của tớ. Nếu không cho người khác thấy rằng mình tự tin thì tớ cũng sẽ chìm lấp vào giữa đám đông, là một người như bao người khác.
<span style="">Cứ tưởng tạo dựng phong thái như vậy là ổn. Tớ không nghĩ rằng, có một ngày, tớ phải nghĩ lại về quan niệm “tự tin” của mình.

<span style="">Đó là lần thi hết môn vừa rồi. Môn Luật chứng khoán, một môn học tớ không thực sự giỏi. Không phải vì tớ không cố gắng mà đơn giản chỉ vì, bộ môn này có quá nhiều các thuật ngữ chuyên ngành, đến dân kinh tế còn khó học nói chi đến một con bé có tư duy nghiêng về xã hội như tớ. “Cày cuốc” chán chê trước khi thi, tớ vẫn còn thấy vài nội dung mình chưa thông tỏ lắm. Cũng chẳng dám hỏi ai, vì cái tội mọi người thấy tớ tự tin nên nghĩ chắc tớ học đã ổn. Xui xẻo làm sao, câu hỏi chính của tớ rơi đúng vào phần tớ đang lan man. Chuyện gì đến đã đến, dù tớ có tỏ ra tự tin đến bao nhiêu đi chăng nữa thì phần kiến thức còn vài lỗ hổng cũng không thể che giấu được. Kết cục là, tớ chỉ được điểm 7. Tuy nhiên, điểm 7 không phải là điều tớ muốn chia sẻ với các bạn.
Khi hết giờ thi, tớ đã nán lại để trao đổi với thầy giáo vửa hỏi thi mình. Tớ muốn có câu trả lời chi tiết cho những gì tớ còn thắc mắc. Thầy mỉm cười, tỏ vẻ vui vì tớ không quan trọng đến điểm số mà trái lại, còn rất ham tìm hiểu. Lúc tớ tạm biệt thầy, các bạn biết thầy đã dặn dò tớ điều gì không?
- Khi em trả lời, thầy thấy em rất bình tĩnh, cứng cỏi. Em có thái độ tốt nhất mà thầy thấy trong số các sinh viên thầy hỏi thi sáng nay. Nhưng khi thầy hỏi em những câu hỏi khó, em đã lúng túng, không trả lời được. Sự tự tin chỉ có được khi em thực sự am hiểu và đam mê một điều gì đó thôi. Nếu thiếu hai điều này, thì sự tự tin chỉ còn là vỏ bọc, bạn trẻ ạ.
Tớ phải cảm ơn thầy rất lâu, vì lời chỉ dẫn chân tình ấy. Có lẽ, vì thầy giáo của tớ còn khá trẻ và cũng đã từng như bao sinh viên khác của mình, đã luôn cháy bỏng khát vọng được khẳng định mình, được người khác công nhận. Chỉ dẫn nhẹ nhàng song sáng suốt, giúp tớ nhận ra đìều mình vẫn còn mù mờ bấy lâu nay.
Đúng vậy, tự tin không chỉ là một ánh mắt thẳng thắn, một giọng nói hùng hồn, hấp dẫn. Tự tin cũng không phải là cách bàn tay vung lên khi nói thật mạnh mẽ. Bản chất của sự tự tin chính là sự am hiểu và tình cảm mãnh liệt của mỗi người về một ai đó, một điều gì đó. Tớ sẽ không bao giờ tự tin về môn Toán, như những năm trung học tớ từng thế, bởi tớ không nắm được các định lý, các bất đẳng thức cũng chẳng đam mê bất cứ một điều gì ở môn Toán. Với tớ, học Toán chi là để cộng, trừ, nhân, chia thuận tiện hơn trong cuộc sống. Chấm hết. Hỏi sao tớ có thể tự tin về môn Toán khi mà tất cả những gì mình có được về bộ môn đó chỉ là những kiến thức sơ đẳng nhất. Trái lại, tớ đã từng rất tự tin ở môn Văn. Không phải vì ở môn này, tớ giành được rất nhiều giải thưởng học sinh giỏi. Mà quan trọng hơn hết, tớ yêu thích môn này một cách sâu sắc. Từ tình yêu đó, tớ đã chịu khó đọc thêm nhiều tài liệu, sưu tầm những bài viết bổ ích lý thú. Để rồi, kiến thức tớ có được cộng với cảm xúc chân thật luôn khiến tớ đạt điểm cao nhất ở môn Văn.
Tớ có một người bạn dạy thêm ở một trung tâm kỹ năng sống. Tự trong thâm tâm, tớ thầm khâm phục cô ấy khi có thể đứng trên bục giảng, trước mấy chục con người để có thể chia sẻ với họ thế nào là ước mơ, hạnh phúc, là việc phải theo đuổi ước mơ hay học cách tha thứ cho người khác. Cứ nghĩ rằng, với kinh nghiệm dày dạn như thế thì bạn tớ sẽ chẳng phải e ngại khi nói về vấn đề gì. Thế mà không phải vậy. Trên lớp, cô bạn rất khiêm tốn, hay đọc sách giữa những giờ chơi và chịu khó lắng nghe bạn bè. Lý do là: “Khi làm việc, tớ có thể giảng cho học viên rất khúc triết, vì đó là những suy nghĩ thật, trải nghiệm thật của tớ. Còn trên lớp, có những kiến thức chưa phải là của tớ, nên tớ đâu thể tỏ ra mình tường tận”. Lúc đó, tớ mới hiểu ra, tại sao bạn mình có thể là giảng viên kỹ năng sống ở lứa tuổi hai mươi. Bởi vì, ngoài những trải nghiệm trước tuổi ra, cô ấy còn biết sống khiêm nhường, biết lắng nghe và quan sát – những điều mà tớ chưa bao giờ làm được.
Thì ra, con đường dẫn đến sự tự tin đích thực rất dài. Những gì ta đã trải qua, ta thu nhận, cảm nhận được trong quá trình sống sẽ được tích lũy lại để rồi một ngày tất cả những điều ấy sẽ trở nên thân thuộc. Khi cần thể hiện, sự tự tin sẽ đến, thông qua hệ thống ngôn ngữ cơ thể. Giọng nói, cử chỉ, điệu bộ chỉ là những chi tiết cuối cùng để hoàn thiện cho sự tự tin của ta. Tớ hơi ngỡ ngàng khi phát hiện ra điều ấy. Bù lại, tớ biết cách để tạo dựng một sự tự tin đích thực, tự tin từ bên trong chứ không chỉ là một vỏ bọc hời hợt bên ngoài.
Bạn có lựa chọn như tớ không?
Mài Hà Uyên​</span>​
</span></span>