Trong bài viết trước – thời gian: Nỗi trăn trở muôn thuở của nhân loại, chúng ta đã tìm hiểu một số biểu hiện và nguyên nhân của việc không quản lý được thời gian. Trong bài viết này, DeltaViet sẽ mách bạn một vài nguyên tắc để quản lý tốt hơn thời gian của mình. Rất đơn giản, bạn chỉ cần thay đổi một số thói quen và bớt nuông chiều bản thân đi thôi
1. Lập to-do list định kỳ
Lời khuyên hãy lập một danh sách việc cần làm và cố gắng hoàn thành nó nghe có vẻ xưa cũ, nhưng hầu như chúng ta đều không thấy được tác dụng to lớn của điều này. Hãy nhìn nhận một cách nghiêm túc việc lập to-do list từng ngày, từng tuần, trong đó chú trọng hai yếu tố: mức độ ưu tiên của công việc và thời gian để hoàn thành một công việc. Lập thành file excel hoặc kẻ bảng giấy và dán ở bàn làm việc của bạn. Việc này sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian của công việc mình làm.
Lúc đầu, có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi lập các danh sách này. Bạn sẽ thường xuyên làm quá hạn so với thời gian dự kiến và mọi thứ không hoàn hảo như trong bản danh sách. Hãy yên tâm, vì chính sự va vấp này mới giúp bạn có được khả năng định lượng thời gian công việc, và hoàn thành được những điều quan trọng nhất.
2. Quản lý giấc ngủ
Bạn ngủ bao nhiêu tiếng một ngày? Trung bình, một người trưởng thành ngủ từ 6-8 tiếng một ngày, song không phải ai ngủ đủ thời gian này đều đảm bảo một sức khỏe như nhau. Thời gian ngủ trong ngày cũng rất quan trọng. Các chuyên gia sức khỏe khuyên nên dành thời gian ngủ trưa khoảng 30 phút, buổi tối nên đi ngủ muộn nhất là 11h; dậy sớm thì tốt hơn thức khuya… Biết là thế, nhưng bạn vẫn không bỏ được các thói quen xấu về giấc ngủ như không ngủ trưa (có thể do đặc thù công việc không cho phép), thức quá khuya, ngủ quá ít hoặc quá nhiều… Chính sự mất điều độ trong giấc ngủ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu suất làm việc cũng như sức khỏe của bạn.
Hãy tập thói quen ngủ sớm, dậy sớm bằng cách hẹn giờ đồng hồ. Khi quá mệt mỏi, đừng tiếp tục làm việc – hiệu quả sẽ thấp; thay vào đó, chợp mắt một lát khoảng 20 phút, bạn sẽ lấy lại năng lượng cần thiết để tiếp tục công việc của mình. Ấn định một giờ ngủ nhất định và giờ thức dậy nhất định để hình thành thói quen. Tránh thói ngủ nướng vào ngày cuối tuần vì thực ra, nó chỉ làm cho bạn thêm mệt mỏi chứ không phải là cách phục hồi sức khỏe. Hãy tạo cho mình một động lực để dậy sớm vào cuối tuần (ví dụ, đã lỡ hẹn bạn ra công viên chạy bộ, dậy sớm để nhảy bài nhạc yêu thích…).
3. Ép mình vào kỷ luật
Kỷ luật thép của quân đội – ăn ngủ đúng giờ, làm việc dứt khoát, nhanh chóng, thời gian biểu khoa học – bạn có làm được không? Ép mình vào kỷ luật không phải là việc đơn giản, nhất là khi bạn đã có thói quen sống buông thả, thoải mái trong một thời gian dài rồi. Vì sống không có kỷ luật nên bạn không làm mọi thứ một cách có trật tự, quy củ mà làm việc ngẫu hứng, dẫn đến hiệu suất công việc kém, thời gian bị lãng phí nhiều.
Thực chất, việc ăn ngủ nghỉ không điều độ, làm việc tùy hứng, không có sự sắp xếp, ưu tiên chính là nguồn gốc của việc không quản lý được thời gian và rất nhiều khoảng thời gian bị lãng phí. Hãy vạch ra cho mình một kế hoạch rèn luyện tính kỷ luật để có thói quen hoàn thành chỉnh chu mọi việc.
4. Sự tranh thủ
Ví dụ bạn có thể tranh thủ thời gian đi tàu xe để đọc một cuốn sách, tranh thủ lúc buôn chuyện với bạn bè thì có thể dọn dẹp lại căn phòng, buổi sáng, khi đang còn ngái ngủ thì nên gấp chăn chiếu, dọn lại phòng cho tỉnh ngủ…Nói tóm lại, cố gắng đừng để có những khoảng thời gian ngồi rỗi rãi, bạn sẽ để rất nhiều thời gian trôi qua lãng phí. Hãy học cách tận dụng thời gian của bạn để thấy quý thời gian hơn, linh hoạt lên trong việc sử dụng thời gian.
Quan trọng là một sự quyết tâm thay đổi từ phía bạn
Nhóm tác giả (hanhtrinhdelta.edu.vn)