Trang, Quỳnh, Tuấn và Hoa là bốn người bạn cùng lớp. Trước đó các bạn không thân nhau nhưng giờ đang ngồi vò đầu bứt tai vì phải cùng nhau giải quyết bài tập nhóm mà cô giáo dạy Anh văn đưa cho. Đề bài tập: “hãy tổ chức một buổi thuyết trình về chủ đề sức khỏe”. Trang, Quỳnh, Tuấn, Hoa đều không giỏi tiếng Anh, và bốn bạn bị xếp nhóm ngẫu nhiên theo danh sách lớp nên không biết tính cách của nhau thế nào. Bốn người thảo luận rất rời rạc, mỗi người một ý chẳng đâu vào đâu.
Trang vốn thích làm lãnh đạo nên xung phong làm nhóm trưởng. Thế nhưng cô nàng lại chẳng biết điều khiển nhóm của mình hoạt động sao cho hiệu quả. Cô bạn chỉ còn biết cách là hỏi mỗi người có thể đóng góp được gì cho bài tập nhóm để phân công nhiệm vụ.
Sau khi đặt ra câu hỏi “thế mạnh của bạn là gì? Bạn có thể làm được gì trong đề tài này?” Trang lần lượt đề nghị từng bạn trả lời. Tuấn vốn năng nổ, hoạt bát nên thảo luận khá sôi nổi, tuy nhiên những ý kiến anh chàng đưa ra thì không mấy khả thi. Quỳnh có vẻ thâm trầm hơn, chỉ đưa ra nhận xét mang tính phê bình, góp ý theo những nguyên tắc nhất định. Hoa vốn thụ động, rụt rè, họa hoằn lắm cô bạn mới nói vài câu. Một điều đáng ngạc nhiên là khi hỏi về điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người, không ai có thể trả lời một cách rành mạch. Ngoại trừ Trang ra, các bạn còn lại đều ấp úng khi nói về ưu điểm của mình.
Mâu thuẫn về tính cách và sự bối rối khi chia sẻ bản thân đã khiến những cuộc thảo luận của bốn bạn ngày càng không có giải pháp. Tuấn, Quỳnh, Trang, Hoa lại không nhận thức được điều này.
Theo bạn, điều họ cần làm lúc này là gì để tìm ra sự đồng cảm giữa các bạn và khiến các buổi thảo luận nhóm có hiệu quả hơn? Khi chúng ta chưa có đủ thời gian và sự tiếp xúc với nhau thì sự thấu hiểu lẫn nhau cần phải có phương pháp. Cho các bạn cùng làm trắc nghiệm tính cách thì sao nhỉ?
Có một nguyên tắc trắc nghiệm tính cách rất hữu ích nhưng không nhiều người biết và áp dụng trong việc thấu hiểu lòng người và làm việc nhóm hiệu quả, có tên gọi là Nguyên tắc Bạch Kim.
Nguyên tắc này được tiến sĩ Tony Alessandra đưa ra năm 1998 trong cuốn sách Nguyên tắc Bạch Kim: Khám phá 4 dạng tính cách công việc căn bản – khởi nguồn đến thành công. Nguyên Tắc Bạch Kim phân loại tính cách con người thành 4 nhóm dựa trên 2 tiêu chí: chủ động hay thụ động, hướng về công việc hay hướng về con người hơn. Theo đó, tính cách chúng ta có 4 nhóm cơ bản:
Driver (Director) (chủ động, hướng về công việc): luôn phấn đấu vì kết quả, thích tự mình lựa chọn, thiếu kiên nhẫn chờ kết quả nên thà làm một mình (trong hoạt động nhóm), muốn đảm nhận vai trò thử thách, đứng đầu.
Thinker (thụ động, hướng về công việc): Như tên gọi của nó, nhóm này thiên về suy nghĩ, tìm tòi ra các giải pháp, suy nghĩ lý tính, ngại giao tiếp, cầu toàn, muốn mọi thứ phải đúng theo quy trình, trật tự, thận trọng. Trong hoạt động nhóm, họ có xu hướng cầu toàn nên thường không hài lòng về giải pháp của người khác.
Relater (thụ động, hướng về con người): ngại gặp rủi ro, không thích sự thay đổi, hay giúp đỡ người khác, có tính hướng nội, thích làm việc nhóm – sẵn sàng nhận việc được giao nhưng gặp khó khăn khi làm việc vì tính cách thụ động.
Socializer (chủ động, hướng về con người): Rất thích giao tiếp, sôi nổi trong các hoạt động xã hội, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ người khác, suy nghĩ cảm tính, thích thay đổi và đột phá.
Đây là bốn nhóm tính cách cơ bản, và tính cách mỗi người là sự hòa trộn của bốn nhóm, và nhóm nào chiếm ưu thế thì tính cách của người đó sẽ bộc lộ theo chiều hướng của nhóm đó nhiều nhất. Để xem xét một người có tính cách nổi bật gì, Tony Alessandra đưa ra 4 nhóm với các từ khóa đặc trưng cho các tính cách đó. Bạn phải lựa chọn tổng cộng 44 từ chính xác với mình nhất. Nhóm nào có số từ nhiều nhất đó chính là tính cách nổi trội trong bạn.
Quay trở lại vụ họp nhóm của Trang, nghe mô tả thì bạn cũng biết ai đang mang tính cách nổi trội gì.
Nắm được đặc điểm tính cách và thế mạnh của mỗi người, nhóm trưởng sẽ rất dễ dàng khi phân công nhiệm vụ cho mỗi người và biết cách tránh mâu thuẫn trong thảo luận.
Bài học rút ra: Có nhiều kỹ năng bạn cứ nghĩ là do trải nghiệm sống và tính chất thiên bẩm tạo thành, song thực ra chỉ cần chúng ta học được phương pháp thì chúng ta sẽ dễ áp dụng vào thực tiễn hơn nhiều. Thấu hiểu bản thân và những người xung quanh cũng là một kỹ năng như thế.
Nguyên tắc Bạch Kim chỉ là một trong số ít những mô hình tính cách con người mà DeltaViet giới thiệu với bạn. Trên thực tế, để hoàn thành tốt công việc, thấu hiểu bản thân cũng như những người xung quanh, chúng ta cần nhiều kỹ năng hơn nữa. Chịu khó tìm kiếm sách vở, các tài liệu trên Internet và thường xuyên thực hành, bạn sẽ rèn được một số kỹ năng cần thiết (các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, trả lời phỏng vấn cũng có thể được rèn luyện theo cách này).
Bài tập dành cho bạn:
1. Bạn có biết ai các thành viên trong nhóm Trang, Tuấn, Hoa, Quỳnh thuộc các nhóm tính cách nào? Nếu bạn là trưởng nhóm, bạn sẽ phân công công việc để thực hiện bài tập tiếng Anh này ra sao?
2. Bạn lấy ra một tờ giấy và một cây viết. Chia tờ giấy làm hai cột, một bên ghi điểm mạnh, một bên ghi những điểm mà bạn thấy mình còn yếu kém cần khắc phục. Bạn có thể ghi ra bao nhiêu đặc điểm? Bạn tự tin là mình đã hiểu hết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân?
Bạn có cần đến những phương pháp như Nguyên tắc Bạch Kim để thấu hiểu bản thân và những người xung quanh?
Nhóm tác giả (hanhtrinhdelta.com)