Bằng tầm nhìn, kinh nghiệm và cả trực giác, Shih đã phát triển Asus thành một công ty trị giá 23 tỉ USD và đang thách thức vị trí hãng máy tính lớn thứ 3 thế giới của Dell.

Hiện nay, Jonney Shih, Chủ tịch của hãng máy tính Asus (Đài Loan), chỉ quan tâm đến 3 điều: máy tính netbook và tương lai của cuộc sống số, cử nhân viên đến Trường Kinh doanh Harvard học và đưa Asus vượt qua Dell trở thành hãng máy tính lớn thứ 3 thế giới vào năm 2011.
Trong khi chiếc máy tính bảng iPad của Apple liên tục khuấy đảo thị trường trong thời gian qua, người đàn ông 57 tuổi này vẫn điềm tĩnh bởi trong đầu ông đã có ít nhất hai phương hướng phát triển cho Asus trong thời gian tới. Thứ nhất, netbook vẫn tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực của Công ty khi nó được xem là sản phẩm tiên phong đón đầu trào lưu thiết bị trên nền công nghệ điện toán máy chủ ảo

(cloud-computing). Thứ hai, trái với suy nghĩ của nhiều người, Shih cho rằng, máy tính để bàn sẽ không những không bị khai tử mà còn trở thành miếng bánh béo bở cho Asus.
Tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và Đông Nam Á, máy tính để bàn vẫn là phương tiện chính giúp mọi người kết nối với internet. Có thể điều này không đúng ở các thành phố lớn và giàu có, nhưng tại những thị trấn, đô thị loại ba, bốn hoặc năm, máy tính để bàn là một lĩnh vực kinh doanh đang phất lên từng ngày.
Bằng tầm nhìn, kinh nghiệm và cả trực giác, Shih đã phát triển Asus thành một công ty trị giá 23 tỉ USD và đang thách thức vị trí hãng máy tính lớn thứ 3 thế giới của Dell trong tương lai không xa. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố kể trên, ông còn có 5 nguyên tắc bất di bất dịch:
1. Mài gươm: Hãy chọn cho mình một lĩnh vực, một công nghệ hay một dịch vụ và dồn hết tâm trí vào nó. Thuở ban sơ, Shih cùng một nhóm 4 kỹ sư đã chọn bo mạch chủ máy tính và cùng nhau làm ra những bo mạch chủ nhanh nhất và ổn định nhất thế giới. Họ thống trị lĩnh vực này trước khi mở rộng sang các loại hình kinh doanh khác. “Tôi khuyên bạn đừng bao giờ đứng núi này trông núi nọ”, Shih nói.
2. Cưỡi đúng con sóng: Asus không có tiềm lực tài chính mạnh bởi khi thành lập
Công ty, Shih và đội ngũ của ông chỉ có 300.000 USD. Tuy vậy, chìa khóa thành công của ông và đội ngũ là khả năng nhìn thấy và nắm bắt cơ hội. Năm 1990, Shih và cộng sự đã nhận thấy nhu cầu về các loại bo mạch chủ máy tính là rất cao và “bằng trực giác, chúng tôi đều nhìn nhận lĩnh vực kinh doanh này sẽ bùng nổ trong tương lai”, Shih kể lại.

3. Chọn đúng đối tác: Chọn đối tác không thể chỉ dựa vào chuyên môn của họ. Bởi “có thể bạn và họ sẽ làm việc cả đời với nhau nên tính cách bẩm sinh của họ cũng quan trọng như khả năng chuyên môn vậy”, Shih nói.
4. Tuyển dụng những trưởng nhóm giỏi nhất ngay từ đầu : Shih luôn tìm đến các trường khối kỹ thuật hàng đầu Đài Loan và chiêu mộ những sinh viên giỏi nhất cho Asus.
5. Có một chiến lược đúng đắn và dám đối mặt với sự thật nghiệt ngã: Shih là bộ não chiến lược của Asus, ông thường nhìn thẳng vào vấn đề, xác định nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp. Shih luôn muốn biết cả hai mặt tốt xấu của vấn đề. Và nhờ đối diện với mặt xấu, ông chèo lái Asus phản ứng nhanh hơn và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết.
Theo Fortune, Nhịp cầu đầu tư​