Nhà quản lý cần có khả năng bày tỏ quan điểm hoặc diễn đạt ý kiến về 1 vấn đề cụ thể mà không quá duy cảm hoặc rơi vào tình trạng khẩu chiến.

1. Chuẩn bị cho cuộc tranh luận
Nếu có điều kiện, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tranh luận.
- Đầu tiên cần tìm hiểu ngọn ngành vấn đề.
- Thứ hai, bám vào vấn đề để làm sáng tỏ cách nghĩ của mình và chuẩn bị kỹ lý lẽ của mình trong cuộc tranh luận.
- Thứ ba, chuẩn bị điều mình sẽ nói bằng cách củng cố những suy nghĩ của mình. Nhẩm lại vấn đề từ đầu đến cuối, nhất là những điểm chính.
- Thứ tư, xem xét vấn đề theo quan điểm của đối phương và xây dựng những lý lẽ để tranh luận với những quan điểm này 1 cách hợp lý.
- Cuối cùng, khi đã hoàn thành các luận điểm của mình, bạn có thể hình dung trước cuộc tranh luận sẽ diễn ra như thế nào.
Bây giờ bạn đã được chuẩn bị đầy đủ để giải quyết vấn đề và lợi thế nghiêng về bạn.

2. Hãy lắng nghe những điều đối phương nói

Hãy để cho đối phương trình bày ý kiến của họ và không nên ngắt lời họ. Nếu bạn cắt ngang để bình luận hoặc bắt bẻ thì bạn chỉ làm vấn đề thêm rắc rối. Việc lắng nghe những lý lẽ của đối phương là rất quan trọng trước khi bạn đưa ra ý kiến của mình.

3. Hãy tạm dừng 1 chút
Không nên đáp lời ngay lập tức. Nếu bạn vội vã nhảy vào, nghĩa là bạn cho thấy dấu hiệu sốt ruột và chứng tỏ rằng bạn chẳng thèm bận tâm đến ý kiến của đối phương. Ít nhất hãy gây ấn tượng rằng bạn đã suy nghĩ về vấn đề 1 cách chín chắn.

4. Trình bày quan điểm 1 cách logic, từ tốn và chính xác
Nếu bạn không định thua cuộc thì không nên kiêu căng, tức giận hoặc khiếm nhã. Những sự việc được trình bày từ tốn sẽ là vũ khí hiệu quả hơn là cao giọng, dùng ngôn ngữ giễu cợt hay hăm dọa. Thuyết phục chớ không nên áp đặt. Nếu cuộc tranh luận bắt đầu không nghiêm túc thì sẽ không còn giải quyết được vấn đề gì nữa.

5. Nếu có thể hãy tận dụng 1 người thứ 3
Lý lẽ của bạn sẽ chắc chắn hơn nếu bạn có thể đưa ra 1 người thứ ba ủng hộ quan điểm của bạn. Nó cũng giống như trường hợp luật sư đưa ra nhân chứng, người bán hàng viện dẫn lời khen của khách hàng hay người đi xin việc trình thư giới thiệu.

6. Hãy để cho đối phương rút lui trong danh dự
Đôi khi, đối phương của bạn cảm thấy rất khó khăn trong việc thừa nhận sai lầm hoặc thất bại. Vì vậy bạn nên tạo điều kiện để đối phương không cảm thấy mất thể diện, đồng ý với ý kiến của bạn mà không lúng túng. Một trong những phương pháp là bạn có thể nói "hóa ra anh không có những thông tin mà tôi biết, thảo nào anh cảm thấy như vậy..."