Chúng ta đã nghe khá nhiều đến cái tên Asha, Asha là dòng điện thoại phổ thông của Nokia, chạy trên nền tảng S40 quen thuộc nhưng nó đã bước qua một tầm cao mới, không còn đơn điệu và quá "phổ thông" như ngày xưa. Hôm nay mình muốn chia sẻ một vài cảm nhận của mình về chiếc điện thoại Nokia Asha 202, một chiếc điện thoại giá rẻ nhưng cũng làm được khá nhiều việc. Máy có 2 SIM nhưng bản thân mình ít khi sử dụng đến SIM thứ 2.

Ưu điểm:

  • Máy nhẹ, nhỏ gọn
  • 2 SIM, có thể thay đổi không cần khởi động lại máy
  • Hỗ trợ email
  • Có thể cài thêm phần mềm từ Nokia Store
  • Hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài
  • Pin lâu
Nhược điểm

  • Màn hình cảm ứng điện trở
  • Máy chạy chậm
Phải nói là mình đã khá can đảm khi "dám" sử dụng Asha 202. Trước nay mình chỉ dùng smartphone, công việc liên quan rất nhiều đến email và các ứng dụng mạng xã hội. Mặc dù chưa thể sánh được với smartphone nhưng bạn sẽ khá ngạc nhiên với những gì Asha 202 có thể làm được, nó có thể xem và gửi email, vào Facebook, Twitter, có thể chat Yahoo, chat Facebook, có kho ứng dụng riêng để cài thêm phần mềm, game và được tích hợp sẵn khá nhiều tiện ích quen thuộc của dòng điện thoại S40.

Kiểu dáng
Máy nhỏ gọn, sử dụng bàn phím T9 và toàn bộ vỏ đều được làm bằng nhựa. Phía trên bàn phím chỉ có 2 phím thực hiện cuộc gọi, không có phím menu điều hướng riêng nên bạn phải thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng điện trở. Máy có 2 khe SIM, SIM 1 nằm ở mặt sau, bên dưới cục pin, còn SIM 2 thì nằm ở cạnh trái của máy, có thể thay đổi SIM dễ dàng. Cạnh trái máy có 2 phím chỉnh âm lượng, nút khóa/mở khóa màn hình. Cổng micro USB và cổng 3.5mm nằm ở cạnh trên.

Nghe gọi, nhắn tin và pin
Chất lượng cuộc gọi của máy tốt, âm thanh trong và rõ ràng. Phần nhắn tin cũng hiển thị theo dạng hội thoại/chat nhưng hơi lạ một chỗ là tin nhắn sau cùng sẽ hiển thị ở trên cùng, thay vì liệt kê từ trên xuống như phần lớn các điện thoại khác hiện nay.

Pin của máy dùng được khá lâu, trung bình mỗi ngày mình nghe gọi khoảng 30 phút, nhận vài tin nhắn, lướt web khoảng 10 phút (bằng EDGE/GERS), tải một hai phần mềm trên Nokia Store thì pin dùng được hơn 2 ngày, thậm chí có thể đến 3 ngày.

Email
Asha 202 hỗ trợ các loại email như Gmail, Ovi Mail, Yahoo Mail, Windows Live, FPTMail, VNNMail... Bạn có thể đọc, trả lời email và gửi email mới. Có thể quản lý nhiều hộp mail cùng lúc nhưng đáng tiếc là không thể Push Mail, nghĩa là muốn kiểm tra mail mới là bạn phải mở email lên và chờ nó kiểm tra thư trên máy chủ.

Hiện Asha 202 chưa hỗ trợ Mail for Exchange nên đồng nghĩa với việc bạn không thể tải danh bạ và lịch làm việc từ Google. Nhưng chúng ta có thể hy vọng sắp tới Nokia sẽ bổ sung Mail for Exchange cho chiếc máy này.

Giải trí
Máy có camera 2MP, tuy độ phân giải của máy ảnh không cao nhưng chất lượng ảnh khá tốt, không bị nhiễu hạt nhiều và hoàn toàn ổn nếu dùng để up lên Facebook hay chia sẻ với bạn bè. Bạn có thể xem một số hình chụp từ camera của máy ở bên dưới. Asha 202 hỗ trợ nhạc MP3 nên bạn có thể chép nhạc vào để nghe, máy có thẻ nhớ microSD gắn ngoài nên dung lượng bộ nhớ cũng không đáng lo. Ngoài MP3 thì máy cũng có thể chơi được các định dạng khác như WAV, WMA, AAC...



Hiệu năng
Thật đáng tiếc là mặc dù máy được trang bị khá nhiều chức năng nhưng lại chạy khá chậm, không hỗ trợ chạy đa nhiệm và tốc độ tắt/mở ứng dụng lâu. Màn hình của máy là loại cảm ứng điện trở và bạn bắt buộc phải sử dụng màn hình này rất thường xuyên dù cho có thích hay không. Đơn giản bởi vì máy không có phím menu điều hướng nên gần như mọi thao tác bạn đều phải nhấn và chạm lên màn hình. Mặc dù cũng không thể đòi hỏi nhiều ở một chiếc điện thoại giá rẻ nhưng ít nhất Nokia không nên ép người dùng phải phụ thuộc quá nhiều vào cái màn hình điện trở như vậy.

Máy được trang bị 2 khe SIM để bạn có thể sử dụng 2 SIM đồng thời. Phần mềm trong máy cho phép bạn chuyển đổi SIM sử dụng một cách dễ dàng mà không cần phải khởi động lại máy. Bạn cũng có thể quy định chức năng cho từng SIM, ví dụ SIM 1 dùng để nghe gọi còn SIM 2 dùng để lên mạng chẳng hạn.

Nói sơ qua về phần cứng của máy, trong quá trình sử dụng, mình có lên Nokia Store để tải phần mềm thì nhận ra một điều rằng có một số phần mềm không tương thích với máy, ví dụ như Foursquare và NhacCuaTui. Có lẽ chính sự giới hạn về phần cứng đã làm cho máy không thể cài phần mềm thoải mái như một số máy S40 khác. Tuy nhiên điều đáng hoan nghênh đó là bạn vẫn có thể cài được khá nhiều phần mềm khác từ kho ứng dụng, giúp cho việc sử dụng một chiếc điện thoại giá rẻ trở nên hứng thú hơn trước rất nhiều.

Nhận xét
Với mức giá 1,7 triệu đồng, Asha 202 là một chiếc điện thoại nhỏ mà có võ, cũng như đáp ứng được khá nhiều nhu cầu làm việc, giải trí và học tập của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết các máy S40 sau này của Nokia đều quá chú trọng về việc máy phải có màn hình cảm ứng mà lại không quan tâm đến trải nghiệm thực sự của người dùng. Nếu cho rằng màn hình cảm ứng điện dung sẽ làm tăng giá thành của máy lên thì tốt nhất là không trang bị cảm ứng luôn và thay vào đó là một phím menu điều hướng 4 chiều như trước kia, còn hơn việc trang bị cảm ứng điện trở và bắt người dùng phải phụ thuộc quá nhiều vào nó, mất khá nhiều sức lực để gõ và chạm mạnh lên màn hình.

Cấu hình chi tiết Nokia Asha 202:

  • Nền tảng: S40 DP1.1
  • Màn hình: cảm ứng điện trở 2.4" độ phân giải 240x320
  • Kích thước: 114,8 x 49,8 x 13,9 mm
  • Nặng: 90 g
  • Băng tần: 900/1800
  • Camera: 2.0MP
  • Bộ nhớ trong: 32MB
  • Thẻ nhớ: microSD tối đa 32GB
  • Kết nối: GPRS, EDGE, Bluetooth 2.1, Micro USB, cổng 3.5mm
  • Pin: 1.020mAh
  • Thời gian thoại: 5 tiếng
Nguồn: tinhte.vn